Để phát triển thương hiệu yến sào Việt Nam, các doanh nghiệp cần được cơ quan chức năng hỗ trợ bộ quy chuẩn đồng bộ về chất lượng để tạo nên giá trị đúng tầm sản phẩm.
Theo tìm hiểu, hiện đang có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến trên cả nước. Trong những năm qua, ngoài sản số lượng hang yến tự nhiên thì số nhà yến tại các địa phương cũng đang có chiều hướng gia tăng tích cực.
Từ báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NB&PTNT), cả nước hiện đang có 23. 665 nhà yến tính đến năm 2022. Các địa phương có số lượng nhà yến nhiều nhất theo báo cáo là Kiên Giang, Khánh Hòa, Lâm Đồng…
Cùng với đó, sản lượng tổ yến (yến sào) của Việt Nam đạt khoảng 130-150 tấn/năm. Tuy nghề nuôi yến tại Việt Nam đang phát triển mạnh và xuất khẩu chính ngạch sang thị trường lớn là Trung Quốc nhưng công tác quy hoạch, quản lý vùng nuôi, chất lượng tổ yến hiện nay vẫn còn gặp một số khó khăn.
Từ đó dẫn đến thương hiệu yến sào Việt Nam vẫn chưa được định hình rõ nét. Các địa phương, doanh nghiệp vẫn trong quá trình tìm kiếm một bộ quy chuẩn để nâng tầm chất lượng sản phẩm.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Trịnh Thị Hồng Vân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa nhìn nhận chất lượng sản phẩm yến sào của Việt Nam được đánh giá vượt trội so với các nước trong khu vực. Theo vị này, việc ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc đã giúp cho ngành yến sào Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian tới.
Từ việc này, thương hiệu yến sào Việt Nam sẽ dần được khẳng định thương hiệu, giá trị kinh tế sẽ dần được nâng cao tại các địa phương có sản lượng lớn. Ngoài ra, cơ hội cho các doanh nghiệp cũng sẽ cởi mở hơn, các đơn vị sẽ chú trọng việc đầu tư dây chuyển sản xuất theo hướng xuất khẩu nâng tầm sản phẩm.
“Sản lượng tổ yến của Việt Nam khoảng 200 tấn/năm. Để phát triển thương hiệu, các doanh nghiệp trong ngành yến sào cần xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm Yến sào Việt Nam, đảm bảo tiêu chuẩn, uy tín trên thị trường thế giới. Cùng với đó là ứng dụng công công nghệ hiện đại kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh thị trường xuất khẩu”, bà Vân nhìn nhận.
Nhằm chinh phục các thị trường khó tính, nhiều ý kiến cho rằng phía doanh nghiệp cần có nghiên cứu kỹ lương các quy định về chất lượng cụ thể của từng quốc gia. Từng bước đưa ra phương sán sơ chế phù hợp cũng như đảm bảo về chất lượng để phù hợp nhu cầu sử dụng.
Vào cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 595/CĐ-TTg về việc tăng cường triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép, quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến. Từ câu chuyện này, Chính phủ đã thể hiện mối quan tâm đối với nghề khai thác tổ yến, nuôi yến, chế biến và xuất khẩu tổ yến, bảo tồn đàn chim yến. Đây là động lực để các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục phát triển đối với lĩnh vực này.
Ở góc độ nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Lân Hùng Sơn, Khoa Sinh học – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định cần tính toán để vừa đảm bảo nhu cầu hiện tại mà không làm cho nguồn lợi quý từ thiên nhiên này không bị suy giảm, đặc biệt là các sản phẩm thuần tự nhiên. Đây là nguyên tắc để hướng đến câu chuyện khai thác bền vững.
“Các sản phẩm tổ yến đảo thiên nhiên luôn có giá trị cao trên thị trường và thường được tiêu thụ mạnh , ngoài việc sản xuất yến sào, các địa phương, doanh nghiệp có thể nghiên cứu phát triển các sản phẩm dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm dinh dưỡng,…”, PGS.TS Nguyễn Lân Hùng Sơn đề xuất.
Theo ông Đỗ Hữu Phương, Đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) mỗi năm các công ty xuất khẩu xuất khẩu tổ yến mang về khoản ngoại tệ khoảng 200-300 triệu USD. Ông Phương cũng nhận định khai thác, sản xuất yến sào là một nghề có hiệu quả kinh tế cao trong ngành chăn nuôi.
Ông Đỗ Hữu Phương cho rằng mặc dù các địa phương đã quy hoạch vùng nuôi chim yến, doanh nghiệp chủ động nâng cấp công nghệ để xuất khẩu nhưng giá trị từ sản phẩm yến hiện nay vẫn chưa cao. Nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề trên là do việc xuất khẩu hiện nay chủ yếu vẫn là xuất thô và tiểu ngạch.
Một nguyên nhân khác là chưa có thị trường ổn định cho đầu ra của sản phẩm yến. Song song là công tác đầu tư trong khâu chế biến sâu còn hạn chế.
“Cần tiếp tục mở rộng chuỗi liên kết trong ngành yến, quản lý theo mã định danh của nhà yến uy tín bằng phần mềm chuyên dụng. Đồng thời, hoàn thiện các thủ tục để xuất khẩu tổ yến chính ngạch sang Trung Quốc và các thị trường khác. Trong đó, cần sớm ban hành hướng dẫn cấp mã số cơ sở nuôi yến để thực hiện việc đăng ký xuất khẩu tổ yến”, ông Phương kiến nghị.
Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/