(HQ Online) – Theo thống kê, sản lượng yến sào nước ta nay đạt khoảng 150 tấn/năm, ngoài phần tiêu thụ trong nước thì kim ngạch xuất khẩu thu về khoảng 200-300 triệu USD. Những năm gần đây ngành chăn nuôi này đã trở thành ngành kinh tế có hiệu quả cao và tăng trưởng nhanh.

Hiện cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến. Số lượng nhà yến toàn quốc tăng rõ rệt, từ 8.300 nhà yến năm 2017 lên 23.665 nhà yến (gấp khoảng 3 lần) năm 2022, mỗi nhà nuôi yến đều được đầu tư từ vài trăm đến vài tỷ đồng. Ngành chăn nuôi và ngành chế biến các sản phẩm từ tổ yến đã giải quyết một lượng lớn lao động và đóng góp quan trọng vào cơ cấu kinh tế các địa phương. Năm 2022, yến sào Việt Nam trở thành sản phẩm nông sản thứ 13 được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của mặt hàng này đang ngày càng được mở rộng.

Tuy nhiên, hiện nay ngành nuôi chim yến đang phải đối mặt với một khó khăn rất lớn đó là nạn bẫy bắt chim yến tràn lan.

Thời gian qua ở một số địa phương đã có hiện tượng giảm đáng kể lượng chim về làm tổ mà nguyên nhân quan trọng là tình trạng bẫy bắt loại chim này xuất hiện ngày càng nhiều tại các vùng nuôi yến. Với đặc thù là loài chim trời, có tập tính bay đi kiếm ăn xa nên khi tình trạng bẫy bắt tràn lan thì nguy cơ tận diệt loài chim quý này rất đáng lo ngại. Theo tính toán, mỗi năm một cặp chim yến làm khoảng 3 tổ, cho doanh thu khoảng 600 nghìn đồng, ngoài ra 3 lứa chim non sẽ tiếp tục lớn lên và cho thu hoạch tổ khi sinh sản. Nhưng khi các đối tượng săn bắt bắt rồi bán chim làm thịt thì chỉ có giá khoảng 5.000-6.000 đồng/cặp. Điều đó cho thấy, sự thiệt hại vô cùng lớn đối với ngành chăn nuôi loại chim này cũng như với nền kinh tế nói chung. Đáng tiếc, tình trạng săn bắt chim trời, trong đó có chim yến đang diễn ra ở nhiều nơi. Những quảng cáo về các loại bẫy, về các cách thức bẫy bắt các loại chim xuất hiện tràn lan trên các mạng xã hội và các trang web. Không ít nhà hàng, quán ăn vẫn gia tăng phục vụ các món ăn là các loại chim này.

Nhìn thẳng thực tế, hành vi bẫy bắt, tận diệt chim yến là hành vi phá hoại một ngành chăn nuôi quan trọng của đất nước và gây hại cho hệ sinh thái.

Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện số 595/CĐ-TTg về việc tăng cường triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép, quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng săn bắt chim yến trái phép, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động người dân không săn bắt, tiêu thụ chim yến, kịp thời tố giác những hành vi săn bắt chim yến trái phép; thường xuyên tổ chức lực lượng kiểm tra, ngăn chặn, tháo dỡ, thu hồi các phương tiện, dụng cụ bẫy, bắt trái phép; xử lý nghiêm các hành vi săn bắt, bẫy, vận chuyển, tiêu thụ chim yến trái pháp luật; tổ chức triệt phá dứt điểm các tụ điểm buôn bán các loài chim hoang dã, chim yến trái pháp luật trên địa bàn. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu các giải pháp phát triển bền vững ngành nuôi chim yến, nâng cao chất lượng sản phẩm yến sào, mở rộng thị trường xuất khẩu…

Kịp thời ngăn chặn nạn săn bắt chim yến, bảo vệ ngành chăn nuôi đặc thù có giá trị cao này góp phần quan trọng vào phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị xuất khẩu, tạo công ăn việc làm và an sinh xã hội hiệu quả tại các địa phương.

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/

Để lại một bình luận